Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

[News] Chất riêng trong MV Kpop

Bạn thường dễ dàng đọc được những bình luận như: "Đây là MV đậm chất SM", hay "phong cách thường thấy của nhà YG",... vậy bạn có hiểu cái "chất" được đề cập đến là cái gì chưa?
 



 SM - MV kiểu "hoành tráng ngầm"

Hầu hết những MV "made by SM" đều được thực hiện tại studio, nơi mà các fan vẫn hay gọi là "chiếc hộp của SM". Co thể thấy một loạt MV như Mr.Taxi (SNSD), Danger (F(x)), Mr.Simple (Suju)… và cả những MV đình đám như Sorry Sorry, The Boy, Paparazzi,... đều có chung số phận gò bo trong hộp.

Điểm cộng: Các nghệ sĩ sẽ được dịp phô bày vũ đạo (lẫn nhan sắc) của mình, càng đơn giản sẽ càng dễ khiến khán giả tập trung vào các điệu nhảy hơn. Điều thuận tiện thứ hai khi làm MV kiểu này là sẽ dễ vượt qua ải kiểm duyệt của các đài truyền hình. Điểm trừ: Chán, quá chán là những gì mà hàng năm trời fan đã "kêu gào" với SM (và rất ít khi được đáp lại), nhất trong thời đại mà MV của các công ty khác đã được dựng hẳn thành phim ngắn.


Các MV của Suju thường được thực hiện "trong hộp"



Một cảnh trong The boys của SNSD
Đặc trưng thứ hai cũng không khó nhận ra là những chiêu PR cho MV vô cùng rầm rộ của SM. Từ việc tung ra hàng loạt teaser (như EXO), liên tục dời ngày ra mắt (The Boy) cho đến việc hình tượng nhử fan và hình tượng trong MV chẳng ăn nhập (như Electronic Shock, Mr.Simple), bên cạnh đó là những lời có cánh được SM tận dụng triệt để.
Điểm cộng: PR là cần thiết bởi một sản phẩm được PR tốt sẽ tạo được hiệu ứng rộng rãi hơn gấp nhiều lần. Điểm trừ: Những chiêu PR của SM luôn làm fan hy vọng nhiều, thất vọng cũng thật nhiều. Trường hợp gần nhất là Paparazzi của SNSD, sau khi hứa hẹn đây sẽ là MV đầu tư hoành tráng nhất từ trước đến nay với 5 phiên bản, thì những gì SM cho thấy vẫn là kiểu "các cô gái trong hộp". Chưa hết, các phiên bản khác cũng chỉ là thay đổi góc máy, cắt ghép, xào nấu lại hai phiên bản chính mà thôi.


Electric Shock của f(x)
YG - Tự do và đầy bí ẩn
YG luôn chú trọng sự sáng tạo và cá tính của mỗi nghệ sĩ, vì vậy dường như không có phong cách chung nào cho các MV của họ. Tuy nhiên, nếu để ý những MV gần đây như Love Song, Blue, Bad Boy (Bigbang), Lonely, Ugly (2NE1), Tomorrow (Tablo)… đều có một điểm chung khá thú vị, đó là các nghệ sĩ sẽ phải đi hoặc chạy liên tục. Dĩ nhiên, với phong cách tự do như vậy, YG thường làm fan mãn nhãn với ngoại cảnh rộng lớn, đầy cảm xúc được quay ở các nước. Đôi khi còn huy động cả khói lửa, ôtô, trực thăng…
Điểm cộng: Chưa bao giờ fan than phiền về những MV chất của YG. Hơn hết, các nghệ sĩ YG đa phần theo phong cách đường phố năng động, vì vậy họ thích hợp với việc… vận động nhiều ở không gian tự do. Điểm trừ: Hài lòng là thế nhưng fan vẫn tham lam mong chờ những điều đặc biệt hơn nữa từ thần tượng của họ, chứ không phải chỉ chạy đi chạy lại đến mệt nhoài!


MV Love song của Bigbang có cả cảnh cháy nổ



CL vào vai một tay đua trong MV Go Away

Ngoài sự tự do, YG cũng nổi tiếng với phong cách tinh quái, bí ẩn. Điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến MV của họ. Các MV ra lò tại YG bao giờ cũng có ý nghĩa sâu xa, khó hiểu. Chẳng hạn, MV Love Song dù chỉ là cảnh đi tới đi lui và múa "điệu chim bay" của Bigbang nhưng đằng sau đó là sự bi ai của một anh chàng có người yêu qua đời do tai nạn ôtô! Hay như Fantastic Baby không chỉ bắt mắt, bắt tai mà mỗi chi tiết như tạo hình diễn viên, mặt nạ, dây xích, những con lân… đếu có ý nghĩa riêng của nó. Dĩ nhiên, bạn phải rất tinh ý mới có thể khám phá hết bí ẩn trong các sản phẩm của YG.
Điểm cộng: Một MV sâu sắc là những gì mà công chúng chờ đợi khi Kbiz tràn ngập kiểu làm MV hời hợt vô nghĩa. YG đã và đang tạo ra những MV không chỉ có tính giải trí cao mà còn có giá trị, cá tính riêng. Điểm trừ: Như đã nói, phải thật thật tinh ý mới hiểu hết ý nghĩa mà các MV gửi gắm, điều này không phải ai cũng có thể làm được. Đối với một số người, MV chỉ là phần phụ cho một bài hát. Họ xem MV vì cần sự giải trí nhẹ nhàng chứ không muốn căng đầu ra tìm hiểu xem nó đang thật sự muốn nói đến điều gì. Ngoài ra, YG cũng hay vướng ải kiểm duyệt của truyền hình vì chất "quái" và nóng bỏng quá đà của MV. -> Những MV đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn rất hay của YG là Don't Go Home (GTOP), Haru Haru, Lie (Bigbang), You and I, Don't cry (Park Bom)…


Một cảnh đáng yêu trong MV You and I của Park Bom
JYP - Độc quyền dễ dẫn đến một màu

Cũng như YG, thật khó để tìm ra một điểm chung nhất cho các MV của JYP. Có chăng là sự ưu ái của Park Jin Young dành cho gà của mình: Ông chủ của JYP tham gia vào hầu hết các MV của nghệ sĩ dưới quyền. Không chỉ sáng tác gần như tất cả các bài hát chủ đề và đóng dấu bằng âm thanh JYP mỗi đầu MV, "bố Park" còn làm diễn viên (trong Nobody, 2 Different Tears, Like Money của Wondergirls) hay giúp đỡ "các con" mình về vũ đạo.
Điểm cộng: Nếu không có sự chăm lo toàn diện của Park Jin Young, MV của Wonder Girls, 2PM, Miss A… đã không được chú ý đến vậy. Điểm trừ: Sự quan tâm của Park Jin Young vô tình trở thành một yếu tố bó buộc các nghệ sĩ. Dễ thấy giữa những MV nhang nhác nhau bởi cùng được tạo ra bởi JYP. Hãy tự hỏi, MV Sexy Lady của Woo Young (2PM) có điểm gì đặc sắc hơn những MV trước đó của 2PM? Vẫn là giai điệu và phong cách đã được làm ra từ Park Jin Young mà thôi. Có lẽ vì thế mà Wonder Girl hay 2PM đã không ít lần từ chối những ca khúc do "bố Park" sản xuất để tìm kiếm một sự mới mẻ.


JYP cũng xuất hiện trong Like Money của Wonder Girls



MV Touch của Miss A
MV của JYP đa dạng là thế, nhưng những sản phẩm gần đây cũng không khác gì cách làm của SM là mấy. Từ Be My Baby, Like Money (Wondergirls), Touch (Miss A), Sexy Lady (Woo Young - 2PM)… đều là kiểu "trong hộp" truyền thống. Có vẻ như phong cách này tuy cũ kĩ thiếu sáng tạo nhưng sẽ vẫn được dùng nhiều trong các MV. Đặc biệt là với những nghệ sĩ có thế mạnh vũ đạo như nhà JYP và SM.

-> Dĩ nhiên, JYP vẫn có những MV như Like This (Wonder Girls) với flashmob hiện đại; You Wouldn't Answer My Calls (2AM) như một bộ phim buồn; phiên bản remix nhí nhố của Hands Up (2PM) hay Only You (2PM) với ngoại cảnh đẹp long lanh…


2AM trong You wouldn't answer my call
CCM - Khi vung tiền quá trán, khi keo kiệt khó hiểu

Nhắc đến CCM Ent và T-Ara, hẳn bộ ba ông lớn Kbiz cũng phải có phần nể phục mức độ chịu chơi của công ty này và khả năng làm việc phi thường của T-Ara. Phong cách nhà CCM là "hoành tráng", comeback liên tục và mỗi MV quay rất nhiều phiên bản khác nhau (chứ không phải kiểu cắt, dán như SM). Các MV có thể dài như một bộ phim ngắn.


MV Day by day hoành tráng của T-ara


Phiên bản dance lại kém được đầu tư hơn nhiều
Điểm cộng: Nếu như fan các nhóm khác có 3-4 phút để ngắm thần tượng thì fan T-Ara có tận 30 phút để vừa nghe nhạc vừa xem MV. CCM cũng được đánh giá cao vì tinh thần luôn tạo sự mới lạ cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Điểm trừ: MV chính của T-Ara hoành tráng bao nhiêu thì các MV phụ "nghèo nàn" hình ảnh bấy nhiêu. Đôi lúc các fan tự hỏi phải chăng CCM đã đầu tư hết tiền vào MV chính nên không còn tiền đầu tư cho các MV phụ. Điển hình như Cry Cry dance ver, Day by Day dance ver,.. - những MV có lượt view cao hơn MV chính và thường được phát trên truyền hình lại có bối cảnh quá nhàm chán, trang phục không đặc sắc,... Có lẽ cũng vì lý do đó mà T-Ara dù nỗ lực rất nhiều vẫn không được đánh giá cao như 2NE1 hay SNSD.