Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

[News] 5 xu hướng của thần tượng Kpop

 Một trong những chiêu gây ấn tượng mạnh với các fan là vấn đề giới tính, ngoại trừ 2PM có hình ảnh "dã thú" thì hầu hết các boyband đều có ngoại hình "nữ tính".
 

Kể từ thế hệ thần tượng đầu tiên của Kpop như H.O.T, S.E.S hay Baby Vox, làn sóng Hàn đã trải qua hơn 10 năm tấn công vào trái tim của các fan châu Á và dần lan sang các châu lục khác. Mô hình chung của một thần tượng hàng đầu vẫn là ngoại hình, khả năng biểu diễn và tài lẻ.
Trong phương trình đó, các công ty đang dần dần đưa vào những yếu tố mới, nhằm tìm kiếm một nét khác biệt, hoặc một lối đi mới cho những thần tượng thế hệ 9X và 10X đang ngày một nhiều.
1. Ngoại ngữ và quốc tịch
Mặc dù Kpop đã gần như “xưng bá” một phương ở châu Á từ lâu, nhưng thị trường phương Tây mới là đích nhắm trong mơ của các ông trùm quản lý như SM hay JYP. Lee So Man từng đưa “công chúa nhạc pop” BoA Mỹ tiến từ năm 2008 với kế hoạch Best of Asia – Bring on America. Trước đó là những tên tuổi như Rain hay Se7ven. Gần đây nhất là Wonder Girls của JYP. Nhưng tất cả dường như không đạt được hiệu quả như ý muốn.
Sau những thất bại, làn sóng Hàn đã tìm cách xâm nhập bằng những con đường khác, lặng lẽ hơn và khéo léo hơn. Thay vì họp báo đưa “gà cưng” sang Mỹ một cách công khai và đón nhận chỉ trích nếu không thành, công ty SM tổ chức hẳn SMTown Concert quanh thế giới, mang toàn bộ những thần tượng hàng đầu của mình như SNSD, DBSK, Super Juniors sang Mỹ, Pháp… để biểu diễn hàng năm.
Tiffani là phát ngôn viên của SNSD khi đến Mỹ.
Để giải quyết vấn đề ngôn ngữ, rào cản lớn nhất đối với thị trường nước ngoài, trong các nhóm nhạc sẽ “ngẫu nhiên” có ít nhất một thành viên là Hàn kiều, chịu trách nhiệm chính khi họp báo, giao lưu ở nước ngoài. Họ cũng sẽ hát những đoạn lyric tiếng Anh để đảm bảo phát âm chuẩn. SNSD có Tiffany, DBSK trước khi bị tách nhóm có Yoo Chun từng lớn lên ở Mỹ.
Hai nhóm nhạc tân binh ra mắt năm nay như NU’EST có Aron từ Mỹ về, hay Kris của EXO ở Canada, đảm nhiệm phần rap bằng tiếng Anh cho nhóm. Nổi tiếng nhất về ngoại ngữ phải kể đến U-KISS: cựu thành viên Alexander nói được bảy thứ tiếng, các thành viên còn lại người biết tiếng Anh, người biết tiếng Trung.
Kris (tóc vàng) đảm nhiệm phần rap lời Anh cho EXO.
Với những nhân tố này, các nhóm nhạc vẫn hoạt động chủ yếu trên xứ kim chi. Nhưng khi ra nước ngoài, họ sẽ tạo ra sự thân thuộc và gần gũi đối với các fan ở nước sở tại nhờ vào những gương mặt đại diện đó.
2. Từ bỏ vũ đạo theo đội hình
Trong vài năm trở lại đây, công thức “nhảy đẹp” và “nhảy đều” giúp các ca khúc Kpop làm mưa làm gió khắp nơi. Thế nên, không chỉ có song cover (hát lại) mà còn có phong trào dance cover, nhảy theo những điệu nhảy nổi tiếng phổ biến như Gee (SNSD), Sherlock (SHINEE) hay Fiction (BEAST). Mỗi bài hát ra đời đều cố gắng tìm kiếm những biên đạo nhảy xuất sắc, dàn dựng vũ điệu cuốn hút, hoặc đáng yêu hoặc mạnh mẽ nhưng phổ biến nhất là dễ nhớ, dễ xem.
Gee (SNSD) "nổ súng" cho phong trào nhảy theo đội hình.
Thế nhưng, nhảy theo công thức đôi khi trở thành “nhà giam” khiến các thần tượng Kpop giống những cỗ máy biết nhảy hơn là ca sĩ. Một món ăn lâu dù ngon cũng làm người ta phải nhàm chán. Song song với phong trào cũ, gần đây, một số nhóm nhạc bắt đầu có những phá cách.
Điển hình và thành công nhất là Big Bang. Ra đời khi làn sóng thần tượng lên cao, Big Bang gần như không chú trọng vào nhảy theo đội hình, các thành viên trên sân khấu thoải mái hát và hoạt động làm nóng sân khấu. Cách biểu diễn ngẫu hứng đó gần với thị trường nhạc Âu Mỹ hơn. Tiếp theo có thể kể đến 2NE1, B.A.P hay gần nhất là BEAST cũng từ bỏ câu chuyện “đẹp và đều” kia trong lần trở lại với Midnight vừa qua.
Big Bang không chú trọng đến vũ đạo nhóm.
3. Giới tính
Nói chung, đã là boyband thì thường hình tượng sẽ có chút nữ tính hóa, trừ kiểu ban nhạc đi theo mẫu hình được mệnh danh là “dã thú” như 2PM. Các fan vốn chẳng xa lạ gì với những mỹ nam đẹp hơn con gái ở các ban nhạc nổi tiếng như Hee Chul (Super Junior), Taemin (SHINEE) hay Jaejoong (JYJ).
Hee Chul với màn nhái Lady Gaga kinh điển.
Tuy nhiên, dường như các công ty quản lý bắt đầu muốn “vượt ranh giới” mạnh mẽ hơn nữa. Những năm gần đây, trong nhóm nhạc sẽ có một ca sĩ khiến khán giả nghi ngờ vào mắt mình, không hiểu đó là con trai hay con gái. Trước ngày ra mắt, tân binh NU’EST gây sốc toàn tập khi tung ra teaser của REN: tóc dài bạch kim, gương mặt trái xoan, trang điểm kỹ càng, 99% là một cô gái xinh đẹp trong một ban nhạc nam.
REN gây choáng từ những bức ảnh đầu tiên.
Các diễn đàn xôn xao, vấn đề “giới tính quá đà” trở thành đề tài để mổ xẻ, và tất nhiên REN hay NU’EST dễ dàng trở thành một cái tên đáng nhớ. Sự xuất hiện của REN như một đối trọng cho hình tượng tomboy toàn tập của Amber thuộc f(x). Bên cạnh 4 cô gái xinh xắn là cô nàng Amber tóc ngắn, không bao giờ mặc váy, giọng khàn trầm và tất nhiên trông y như một cậu thanh niên.
Amber (ngoài cùng bên phải) trong đội hình f(x).
Hiện tượng như REN và Amber chưa phổ biến lắm trong Kpop. Nhưng về lâu dài, liệu đây có thành một xu hướng? Thay vì để fan ngất ngây khi mỗi lần thành viên xinh đẹp nhất đóng giả con gái/con trai, thì bây giờ đã có một nhân vật sẽ “đóng vai” này, thỏa mãn mọi mơ ước của các fan nữ 24/24.
4. Fan service
Fan service là một thuật ngữ quen thuộc với những tín đồ của Kpop, dùng để chỉ những hành động như “vô ý hữu tình” của các ca sĩ thần tượng nhằm làm vui lòng fan, cả trên lẫn ngoài sân khấu.
Fan đau đớn khi "cặp đôi" nổi tiếng Yunjae (DBSK) tan rã.
Một trong những đặc điểm của một fangirl chính hiệu là ghép đôi các ca sĩ mình thích với nhau, bất kể giới tính. Từng cử chỉ nhỏ nhặt, vô tình của hai thành viên đó sẽ được soi rất kỹ, biến thành hàng trăm những bức ảnh, video fan-made làm bằng chứng cho “tình yêu không lời”. Tất nhiên, đó chỉ là sản phẩm của tưởng tượng nhưng lại đặc biệt phát triển trên các forum.
Các ông bầu đương nhiên nhận ra xu hướng này. Fan service ghép cặp dần dần trở thành một hành động có tổ chức và chiến lược rõ ràng. Không phải chờ ban nhạc ra mắt cả năm trời rồi bạn mới nhận ra nên ghép ai với ai, mà ngay từ đầu, những thành viên có khả năng “đóng cặp” nhất sẽ có xu hướng thân mật hơn những người khác.
SM tung ảnh đôi khi quảng bá EXO...
Công ty sẽ sắp xếp cho hai người đó chụp ảnh đôi nhiều hơn, trên sân khấu đứng cạnh nhau, ngoài đời họ sẽ đi gần, cầm tay hoặc khoác vai ở sân bay… Những cử chỉ đó không có gì hơn ngoài hai chữ “bạn bè”, nhưng trong mắt fan sẽ được thuyết minh theo một lý lẽ hoàn toàn khác.
Khi xem show thực tế Making of a Star của NU’EST, khán giả dễ dàng nhận thấy REN khá gần gũi với Baekho, một thành viên có vẻ ngoài đẹp trai kiểu nam tính. Cao tay hơn cả là SM với tân binh EXO. Có đến 12 chàng trai đẹp hơn hoa, nên ban đầu SM kín đáo ghép cặp khá nhiều người. Dần dần, khi các fan bắt đầu chọn lựa được những cặp đôi ưa thích thì tần suất thân mật của họ sẽ được tăng lên một cách tự nhiên.
...còn lại xin để fan tự tưởng tượng.
5. Tách nhóm nhỏ
Vì sao lại phải tách nhóm để hoạt động riêng lẻ? Đây là một chiến lược kinh doanh của các công ty, nhằm khai thác hết tiềm lực của một số thành viên. Trong một ban nhạc thần tượng, những người có khả năng thanh nhạc cao hơn sẽ bị thiệt khi phải chia đều số lượng câu hát ít ỏi với thành viên khác, nhất là nhóm đông dân như SNSD hay Super Junior.
Taetiseo gồm 3 thành viên hát tốt nhất SNSD.
Chính vì thế, một ban nhạc ban đầu 13 thành viên như Super Junior có những nhóm nhỏ như Super Junior – R.K.Y hát ballad, Super Junior M tấn công thị trường Trung Quốc. SNSD có nhóm Taetiseo tập hợp 3 thành viên hát hay nhất, ra mắt thành công với single Twinkle. Big Bang chỉ có 5 thành viên nhưng G-Dragon, T.O.P, Teayang và Seung Ri thường xuyên có dự án hát đơn hoặc đôi. Cô nàng siêu sexy của 4minute HyunA cũng trở nên nổi bật hơn hẳn nhờ 2 hit lớn là ChangeBubble love khi hát solo. Lần kết hợp của cô với “gà nhà” cùng công ty Hyun Seung (BEAST) thành bộ đôi Trouble Maker năm ngoái đã làm điên đảo các sân khấu ca nhạc.
Bộ đôi Trouble Maker.
Nhóm nhỏ hoạt động song song với nhóm chính nếu thành công sẽ là “một mũi tên trúng nhiều đích”. Danh tiếng gấp đôi cho cá nhân và ban nhạc là điều đương nhiên. Doanh thu từ các sản phẩm âm nhạc là điều tất yếu. Vấn đề chỉ nằm ở khả năng ghép nhóm của công ty có chuẩn xác hay không mà thôi.
Tùy thời điểm, Super Junior có vài nhóm nhỏ khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét